Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu: Làm gì? Lương bao nhiêu?

08/04/2025

Chuyển đổi số bùng nổ, doanh nghiệp nào cũng cần hệ thống mạng ổn định, bảo mật tốt. Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu vì thế trở thành ngành cực hot. Cùng tìm hiểu ngay cơ hội việc làm và mức lương của ngành này.

nganh mang may tinh va truyen thong du lieu

Giới thiệu chung về ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Mạng máy tính & truyền thông dữ liệu là lĩnh vực cốt lõi của Công nghệ Thông tin, nghiên cứu cách thiết lập, quản lý và bảo mật hệ thống kết nối giữa các thiết bị, con người và dữ liệu. Đây là nền tảng vận hành của mọi hệ thống số hóa, từ Internet, dịch vụ điện toán đám mây đến viễn thông và IoT (Internet of Things).

Sinh viên theo học ngành này tại Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN sẽ được trang bị kiến thức về:

- Hạ tầng mạng & bảo mật.

- Điện toán đám mây & IoT.

- Truyền thông không dây (4G, 5G & công nghệ tương lai).

- Ứng dụng web & dịch vụ trực tuyến.

Xu hướng phát triển của ngành

Dựa trên dự báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực Công nghệ thông tin tại Việt Nam dự kiến đạt khoảng 1,6 triệu người năm 2025 và 2,72 triệu người năm 2030, tương đương mức tăng 70% trong 5 năm, tức trung bình 11,2% mỗi năm.

Trong đó, ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu nhân lực ngày càng cao. Không chỉ giới hạn trong các công ty công nghệ, lĩnh vực này còn mở rộng sang viễn thông, bảo mật dữ liệu, phát triển nền tảng số, điện toán đám mây và IoT.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, công ty tư vấn - cung cấp giải pháp mạng, cơ quan nghiên cứu và cơ quan nhà nước. Cụ thể, các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT Telecom, MobiFone luôn cần các kỹ sư mạng và chuyên gia bảo mật.

Có nên học ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu? Có khó không?

Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ và nhu cầu nhân lực CNTT không ngừng gia tăng. Nhưng trước khi quyết định theo học, bạn cần cân nhắc hai yếu tố quan trọng: mức độ phù hợp và độ khó của ngành.

Ngành này dành cho ai?

Nếu sở hữu những tố chất sau, khả năng cao đây sẽ là ngành học lý tưởng dành cho bạn:

- Hứng thú với công nghệ và hệ thống kết nối.

- Tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề.

- Khả năng tự học và cập nhật công nghệ.

- Quan tâm đến an toàn thông tin.

Ngành này có khó không?

Mức độ khó của ngành tùy thuộc vào khả năng tiếp thu và sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, có một số thách thức đặc thù mà bạn cần lưu ý:

- Kiến thức kỹ thuật chuyên sâu: Bạn sẽ phải học về hạ tầng mạng, giao thức truyền thông, bảo mật, điện toán đám mây.

- Thực hành nhiều: Không chỉ học lý thuyết, bạn sẽ phải làm quen với hệ thống thực tế, cấu hình mạng, xử lý sự cố và tối ưu truyền tải dữ liệu.

- Tốc độ thay đổi nhanh: Công nghệ mạng và bảo mật không ngừng phát triển. Nếu không liên tục cập nhật, bạn có thể nhanh chóng bị lạc hậu.

Cơ hội việc làm ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu - Mức lương của ngành?

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức nghiên cứu hoặc cơ quan quản lý nhà nước với mức thu nhập hấp dẫn.

Những vị trí phổ biến:

- Kỹ sư mạng máy tính/ An ninh mạng: Đóng vai trò thiết kế, vận hành và bảo vệ hệ thống mạng. Mức lương dao động từ 8 - 15 triệu/tháng (0 - 3 năm kinh nghiệm) và có thể đạt 20 - 30 triệu/tháng sau 5 năm.

- Chuyên viên quản trị mạng & hệ thống: Đảm nhận việc duy trì, tối ưu hệ thống mạng và hạ tầng CNTT của doanh nghiệp. Vị trí nhân viên khởi điểm từ 6 - 10 triệu/tháng, chuyên viên từ 8 - 13 triệu/tháng, có thể lên tới 25 triệu/tháng với kinh nghiệm dày dặn.

- Nhân viên IT/ IT phần cứng: Chịu trách nhiệm bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống CNTT. Thu nhập trung bình 7 - 10 triệu/tháng, có thể đạt 30 triệu/tháng nếu thành thạo công nghệ và có chuyên môn cao.

- Kỹ sư hệ thống: Phát triển và quản lý các nền tảng công nghệ phức tạp. Mức lương khởi điểm từ 9 - 16 triệu/tháng, có thể tăng lên 30 triệu/tháng tùy theo năng lực.

- Lập trình viên: Nếu có nền tảng vững về lập trình, bạn có thể phát triển phần mềm liên quan đến hạ tầng mạng. Thu nhập từ 8 - 15 triệu/tháng, có thể lên đến 40 triệu/tháng nếu có chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực chiến.

- Nghiên cứu & giảng dạy: Phù hợp với những người có thành tích học tập xuất sắc và đam mê học thuật. Cơ hội phát triển trong môi trường giáo dục và nghiên cứu chuyên sâu.

Một số câu hỏi thường gặp về ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu thi khối nào?

Hiện nay, các trường đại học thường tuyển sinh ngành này theo nhiều tổ hợp khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:

- A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)

- D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh)

Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu học trường nào tốt?

Lựa chọn cơ sở đào tạo uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị nền tảng chuyên môn vững chắc và mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Dưới đây là những trường đại học nổi bật với chương trình đào tạo hiện đại, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của ngành:

- Đại học Công nghệ - ĐHQGHN: Chương trình đạt chuẩn quốc tế, chú trọng nghiên cứu và thực hành, liên kết doanh nghiệp công nghệ lớn.

- Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP.HCM: Đào tạo chuyên sâu về mạng, bảo mật, truyền thông dữ liệu, hệ thống phòng lab hiện đại, nhiều cơ hội thực tập.

- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT - Phía Bắc): Thế mạnh về viễn thông, an toàn thông tin, chương trình kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành.

Điểm chuẩn ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu?

Mức độ cạnh tranh của ngành Mạng máy tính & Truyền thông năm 2024 vẫn duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các cơ sở đào tạo hàng đầu. Cụ thể:

- Đại học Công nghệ - ĐHQGHN: 26.92 điểm (A00, A01, D01)

- Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG TP.HCM: 25.7 điểm (A00, A01, D01, D07) và 855 điểm (Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM)

- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Phía Bắc): 25.59 điểm (A00, A01); 23.74 điểm (Xét tuyển kết hợp) và 19.45 điểm (ĐGNLHCM, ĐGNLQGHN, DGTD).

Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu học gì?

Nếu theo học ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu tại Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN, các bạn sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về thiết kế, vận hành và bảo mật hệ thống mạng, kết hợp với các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) và viễn thông 5G.

Nội dung đào tạo cốt lõi:

- Kiến thức nền tảng: Giải tích, xác suất thống kê, kiến trúc máy tính, nguyên lý hệ điều hành.

- Công nghệ mạng: Cấu trúc dữ liệu, lập trình mạng, quản trị và bảo mật hệ thống.

- Ứng dụng thực tiễn: Cloud Computing, IoT, phát triển phần mềm Web, hệ thống nhúng.

- Viễn thông hiện đại: Mạng không dây, truyền thông số, tối ưu hóa mạng di động.

Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu đang trở thành xu hướng hot giữa bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ. Nếu đang loay hoay tìm kiếm một ngành học có công việc ổn định và mức thu nhập hấp dẫn thì đây chính là gợi ý dành cho bạn.

Bài viết khác

Xem thêm
× Modal Image