6 lưu ý khi viết CV ứng tuyển vào các công ty công nghệ

20/03/2023

Với sự lên ngôi của khoa học kỹ thuật, các công ty công nghệ đã và đang là lựa chọn hàng đầu để người lao động phát triển sự nghiệp. Dựa trên mối quan tâm này, Cổng thông tin việc làm khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp sẽ chia sẻ 6 lưu ý khi viết CV ứng tuyển vào các công ty công nghệ để chinh phục mọi nhà tuyển dụng. Mời bạn cùng tham khảo nhé!

cv ung tuyen cong ty cong nghe

1. Thiết kế CV tối giản, thể hiện được sự logic và khoa học

Giống việc đi mua sách, ta thường sẽ bị hấp dẫn bởi những cuốn sách có thiết kế bìa hấp dẫn. Vậy nên việc chuẩn bị 1 bản CV với hình thức chuyên nghiệp sẽ là điểm cộng rất lớn giúp CV của bạn nổi bật hơn cả. Qua cách sắp xếp bố cục rõ ràng, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là 1 người có tư duy logic, sở hữu khả năng hệ thống thông tin gọn ghẽ và hiệu quả.

1 bí kíp giúp quá trình ứng tuyển của bạn bớt "nhọc nhằn" hơn đó chính là sử dụng mẫu CV có sẵn:

- Truy cập website Tạo CV chuyên nghiệp online

- Xác định các tiêu chí phù hợp với bản thân để chọn ra mẫu CV tối ưu nhất

- Chọn mẫu CV và hoàn thiện thông tin theo các hướng dẫn có sẵn

- Hoàn tất kiểm tra các thông tin và lưu CV

Chỉ với 4 bước đơn giản, bạn đã có thể hoàn thiện 1 bản CV ứng tuyển đẹp mắt và chỉn chu nhất. Đồng thời, hệ thống sẽ tự động đề xuất ngay các việc làm phù hợp cho bạn qua tin nhắn hoặc email, giúp bạn nhanh chóng tìm thấy công việc ưng ý chỉ trong vòng "một nốt nhạc".

2. Liệt kê những thông tin quan trọng và kỹ năng chuyên môn ở phần đầu CV

Lỗi sai phổ biến nhất mà các ứng viên thường mắc phải chính là đưa những thông tin không liên quan lên đầu CV. Chúng không chỉ chiếm quá nhiều diện tích mà còn không thể hiện được chút nào về bản thân ứng viên. Từ đó, gây mất điểm trầm trọng trong mắt nhà tuyển dụng.

Trong quá trình xét duyệt hồ sơ xin việc làm, nhà tuyển dụng phải xem hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn CV. Vậy nên hãy đưa những thông tin quan trọng nhất lên phía trên để họ dễ dàng thấy và đánh giá được tiềm năng của bạn với vị trí công việc đang tuyển.

3. Chú ý chèn keywords cần thiết

Công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty lớn đều có hệ thống lọc CV tự động trước khi đến được tay nhà tuyển dụng. Vậy nên việc chọn và chèn từ khóa sẽ vừa giúp bạn "lọt" qua sự sàng lọc của ATS (Applicant Tracking System), vừa thể hiện tiềm năng, mức độ phù hợp của bạn với công việc.

Để tìm keywords, bạn nên nghiên cứu thật kĩ JD cũng như đặc trưng về ngành nghề, doanh nghiệp đang ứng tuyển. Với các công ty công nghệ, bạn có thể tham khảo bộ từ khóa sau:

- Ngôn ngữ lập trình: Python, Java, C++, JavaScript, Ruby, PHP, Swift, Kotlin, HTML, CSS, SQL, ...

- Frameworks và thư viện phổ biến: Django, Flask, Spring, AngularJS, React, Vue.js,...

- Công nghệ và nền tảng: Google Cloud Platform, Docker, Linux, Windows Server,...

- Cơ sở dữ liệu: MySQL, PostgreSQL, MongoDB, Redis, Oracle, SQL Server, ...

- Công cụ và phần mềm phát triển: Visual Studio Code, Jenkins, JIRA, Docker Compose, ...

- Kỹ năng và khả năng: Phát triển phần mềm, Thiết kế và phát triển web, Big Data, AI, Machine Learning, Computer Vision, Tự động hóa, ...

4. Trình bày thông tin dưới dạng các ý cụ thể thay vì viết thành đoạn văn

Yêu cầu khi viết CV ứng tuyển vào các công ty công nghệ là ngắn gọn nhưng vẫn phải đủ ý, thể hiện được sự chuyên nghiệp cũng như tính logic của ứng viên. Vậy nên thay vì kể lể từng đoạn văn dài, biến CV xin việc thành 1 bài "diễn văn" thì hãy sử dụng các gạch đầu dòng.

Việc này không chỉ giúp nội dung CV trở nên cô đọng hơn và còn tạo sự khoa học trong cách trình bày, đảm bảo rằng nhà tuyển dụng sẽ dễ quan sát và nắm bắt thông tin hơn.

5. Đảm bảo về chất lượng và số lượng thông tin đưa ra trong CV

Không chỉ cần chỉn chu về mặt hình thức, muốn CV ứng tuyển dễ lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng thì bạn còn cần sự đầu tư nhất định về mặt nội dung. Hãy đảm bảo các thông tin được đưa ra:

- Sát với thực tế, không phải bịa đặt.

- Ngắn gọn, súc tích và đi đúng vào trọng tâm.

- Liên quan chặt chẽ đến vị trí công việc đang ứng tuyển.

- Ưu tiên sử dụng số liệu cụ thể khi liệt kê kinh nghiệm, thành tựu.

6. Thể hiện "màu sắc" cá nhân để giúp CV nổi bật, thu hút

Ngoài những phần cố định như thông tin cá nhân, liên hệ, học vấn, kinh nghiệm và kỹ năng trong CV thì bạn cũng có thể thêm một số mục sau để tăng "độ nhận diện" cho chính mình nhé.

- Chứng chỉ và bằng cấp: Hãy liệt kê một số chứng chỉ bản thân đã đạt được để làm nổi bật CV, thể hiện "bằng chứng" chân thực nhất về năng lực chuyên môn và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé.

VD: AWS Certified Solutions Architect, Google Professional Cloud Architect, Microsoft Certified: Azure Solutions Architect, Scrum Master, Certified Ethical Hacker (CEH),...

- Dự án và thành tựu: Đề cập đến các dự án cụ thể mà bạn đã tham gia hoặc hoàn thành, kèm theo mô tả về vai trò của bạn và kết quả đạt được.

Bên cạnh đó thì sở thích, ngoại ngữ và người tham chiếu cũng có thể được thêm vào cuối CV, giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về người họ đang chuẩn bị phỏng vấn. Lưu ý ở đây là hãy luôn đảm bảo thông tin đưa ra thật ngắn gọn, tránh dài dòng, thừa thãi nhé.

Trên thực tế, CV chỉ là công cụ để giúp bạn bước đầu "ghi điểm" trên con đường sự nghiệp mà thôi. Lời khuyên ở đây là hãy không ngừng trau dồi bản thân cả về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Từ đó, thể hiện năng lực ở cả công việc và đời sống thực tế. Chúc bạn thành công hoàn thiện việc viết CV ứng tuyển vào các công ty công nghệ, tìm được vị trí phù hợp với bản thân và sớm đạt thêm nhiều thành tựu trong tương lai.

Bài viết khác

Xem thêm