Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là gì? Làm gì khi ra trường?
14/04/2025
Khi máy móc dần thay thế con người trong những công việc nặng nhọc, ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa sẽ giúp bạn hiểu cách thiết kế, lập trình và vận hành các hệ thống tự động thông minh. Vậy ngành này học gì, ra trường làm gì, và mức thu nhập thế nào?
Giới thiệu chung về ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ điều khiển để thiết kế, chế tạo và vận hành các hệ thống tự động, robot, thiết bị thông minh, nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng suất lao động, giảm sự can thiệp của con người trong công nghiệp và đời sống.
Chương trình đào tạo kỹ sư kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại Đại học Công nghệ - ĐHQGHN trang bị cho sinh viên kiến thức về nguyên lý và ứng dụng các hệ thống tự động. Từ đó phát triển khả năng phân tích, thiết kế và lập trình hệ thống cho công nghiệp và đời sống, rèn luyện tư duy logic, nghiên cứu và sáng tạo.
Xu hướng phát triển:
Cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa đang có những bước nhảy vọt với sự ra đời và phát triển của các công nghệ tiên tiến. Dưới đây là những xu hướng nổi bật đang định hình tương lai ngành:
- Tích hợp AI và Machine Learning: Giúp dự đoán sự cố và tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu quả vận hành.
- Phát triển IoT (Internet vạn vật): Kết nối các thiết bị, tạo ra hệ thống dữ liệu liên tục, nâng cao khả năng giám sát và điều khiển từ xa.
- Bảo mật dữ liệu với Blockchain: Cung cấp một lớp bảo mật cao, bảo vệ hệ thống khỏi tấn công mạng và đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu.
- Mạng 5G và Điện toán Biên: Cho phép xử lý dữ liệu nhanh chóng và tự động hóa công nghiệp hiệu quả hơn nhờ vào kết nối và khả năng tính toán mạnh mẽ.
- Tăng cường tự động hóa trong sản xuất: Robot cộng tác giúp tăng cường năng suất.
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có dễ xin việc? Ra trường làm gì?
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa hiện giờ không thiếu việc làm, vì hệ thống tự động hóa đã có mặt ở hầu hết các ngành từ sản xuất ô tô, điện tử, năng lượng đến y tế. Những hệ thống này giúp tự động hóa quy trình sản xuất, giảm sự can thiệp của con người và tối ưu hiệu suất.
Ví dụ trong ngành sản xuất, dây chuyền sản xuất sử dụng robot công nghiệp để hàn, sơn, lắp ráp linh kiện, giúp tăng tốc độ và độ chính xác trong sản xuất. Trong ngành năng lượng, SCADA và IoT được ứng dụng để giám sát và điều khiển các hệ thống năng lượng như nhà máy điện, lưới điện, điện gió, điện mặt trời, giúp tối ưu hiệu suất và giảm thiểu rủi ro.
Vậy học xong ra trường làm gì?
Câu trả lời chắc chắn là vô vàn cơ hội hấp dẫn. Dưới đây là một số công việc phổ biến mà bạn có thể cân nhắc:
- Chuyên viên tư vấn, thiết kế và tự động hóa: Tư vấn, thiết kế các hệ thống điều khiển phù hợp cho khách hàng.
- Kỹ sư bảo trì: Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống tự động hóa để đảm bảo chúng hoạt động ổn định.
- Kỹ sư lập trình PLC/SCADA: Lập trình và phát triển các hệ thống giám sát, điều khiển từ xa.
- Làm kỹ sư tự động hóa tại các tập đoàn lớn như ABB, Siemens, Schneider, Mitsubishi.
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa lương bao nhiêu?
Khi ra trường, nhiều bạn thắc mắc ngành tự động hóa lương có cao không. Nếu mới ra trường, làm nhân viên kỹ thuật thì lương sẽ khoảng 7-10 triệu/tháng. Khi đã có kinh nghiệm rồi, lương sẽ từ 20 triệu trở lên.
Một số câu hỏi thường gặp về ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa thi khối nào?
Nếu bạn đang nhắm đến ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, thì có kha khá lựa chọn về khối thi. Phổ biến nhất vẫn là A00 (Toán - Lý - Hóa) và A01 (Toán - Lý - Anh), vì đây là hai khối phù hợp nhất với dân kỹ thuật.
Ngoài ra, một số trường còn xét tuyển các khối khác như B00 (Toán - Hóa - Sinh), C01 (Văn - Toán - Lý), D01 (Văn - Toán - Anh), D07 (Toán - Hóa - Anh) và D10 (Toán - Địa - Anh).
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa nên học trường nào?
Nếu bạn thích ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, thì chọn trường cũng quan trọng không kém gì chọn ngành. Dưới đây là danh sách một số môi trường học tập đáng cân nhắc:
- Đại học công nghệ - ĐHQG Hà Nội
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Trường Đại học Vinh
- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
- Đại học Cần Thơ
Điểm chuẩn ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa?
Năm 2024, điểm chuẩn ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa như sau:
- Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội: 27.05 (Thi TN THPT), tổ hợp A00, A01, D01.
- Đại học Huế: 17.5 (Thi THPT, tổ hợp A00, A01, D01), 19.6 (Xét học bạ)
- Đại học Vinh: 19 (Thi THPT, tổ hợp A00, B00, A01, D01), 23.5 (Xét học bạ), 18.28 (ĐGNL, ĐGTD)
- Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên: 19 (Thi THPT, tổ hợp A00, A01, D01, D07, XDHB), 22 (Xét học bạ)
- Đại học Phenikaa: 22 (Thi THPT, tổ hợp A00, A01, D07, C01), 25 (Xét học bạ), 50 (ĐGTD ĐHBK Hà Nội), 70 (ĐGNL ĐHQG Hà Nội)
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa học những gì?
Nếu theo học tại Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội, sinh viên sẽ được đào tạo toàn diện về các nguyên lý kỹ thuật và công nghệ tự động hóa hiện đại. Tổng cộng có 150 tín chỉ, chia thành các phần học cụ thể, bao gồm:
- Kiến thức chung: Bao gồm các môn học về lý luận chính trị, xã hội học, tiếng Anh, thể dục, và quốc phòng.
- Kiến thức cơ sở: Toán, vật lý và công nghệ thông tin.
- Kiến thức ngành: Gồm các môn học bắt buộc và tự chọn về kỹ thuật điều khiển, lập trình, điện tử và tự động hóa.
- Thực tập và tốt nghiệp.
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa mở ra nhiều cơ hội trong thời đại công nghệ, từ thiết kế, lập trình đến vận hành hệ thống tự động. Nếu bạn yêu thích công nghệ, luôn tò mò về cách thức vận hành của máy móc và muốn đóng góp vào sự phát triển của tự động hóa, đây chắc chắn là lựa chọn đáng cân nhắc.